Ở bất kỳ nơi đâu và thời đại nào, con người đều phải đồng hành với rủi ro. Rủi ro và an toàn là hai thuộc tính của cuộc sống chúng ta. Làm thế nào để giảm thiểu rủi ro? Làm thế nào để làm chủ được rủi ro? Đó là câu hỏi muôn thuở của mỗi cá nhân, tổ chức, nhà nước và xã hội. Vậy là một ngành kinh tế đã ra đời, không chỉ giúp chúng ta giải đáp bài toán trên, mà còn trở thành một trong những động lực kích thích sự phát triển của mọi lĩnh vực kinh tế – xã hội khác. Đó chính là Bảo hiểm.
Điều kiện làm việc và cơ hội nghề nghiệp
Làm việc trong ngành bảo hiểm bạn sẽ bước vào môi trường làm việc hết sức sôi động với nhịp sống mang tính hội nhập quốc tế cao và ở những nơi dân cư đông đúc. Công việc này đòi hỏi bạn phải luôn vận động cả về tư duy lẫn hành động. Bạn sẽ không chỉ làm việc cố định trong văn phòng của hãng bảo hiểm mà còn phải đến các nhà máy, xí nghiệp, công ty, hộ dân cư, ngân hàng, sàn giao dịch chứng khoán và cả ra nước ngoài để thực hiện các giao dịch của hãng giao cho bạn đảm nhận. Công việc này rất lý thú đòi hỏi năng lực trí tuệ cao và cũng rất căng thẳng. Bạn sẽ được trả lương phù hợp với những đóng góp của mình cho công ty và có cơ hội để tiếp tục được đào tạo trở thành chuyên gia bảo hiểm, chuyên gia tài chính danh tiếng và có vị trí cao trong doanh nghiệp của mình và trong xã hội.
Ngày nay, ở Việt Nam, bảo hiểm đang là lĩnh vực hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Đã, đang và sẽ có hàng loạt các công ty bảo hiểm trong nước và quốc tế ra đời, nhiều công ty bảo hiểm hiện nay đang dần hình thành những tập đoàn tài chính – bảo hiểm lớn với phạm vi hoạt động bao trùm lên nhiều lĩnh vực: bảo hiểm, ngân hàng, quản lý quỹ đầu tư, chứng khoán, cho thuê tài sản và có mặt ở khắp mọi nơi. Bạn đừng lo ngại về công việc, nếu bạn thực sự đáp ứng được yêu cầu công việc, bạn sẽ trở thành mục tiêu đắt giá của nhiều hãng bảo hiểm trong nước và quốc tế.
Một số nghề nghiệp trong ngành bảo hiểm:
– Nhà nghiên cứu bảo hiểm: Làm việc tại các trường đại học, các viện nghiên cứu về kinh tế – tài chính. Hoạt động hàng ngày của họ là nghiên cứu tài liệu, tra cứu, tìm kiếm thông tin, khảo sát thực tế tại các doanh nghiệp, tham gia đào tạo v.v…
– Cán bộ quản lý tài chính của hãng bảo hiểm: Làm các công việc về kế toán, phân tích tài chính, hoạch định kế hoạch về tài chính, trực tiếp quản lý tiền, công nợ, tài sản của công ty bảo hiểm.
– Cán bộ định phí: Tính giá chi phí của các dịch vụ bảo hiểm, xác định chiến lược đầu tư tài chính, thống kê rủi ro… cho công ty bảo hiểm. Những nhân viên này thường được đào tạo tại các nước phát triển như Anh, Pháp, Mỹ…
– Cán bộ đàm phán, ký kết hợp đồng bảo hiểm: Nghiên cứu nhu cầu bảo hiểm của khách hàng, tiếp xúc, đàm phán và ký kết các hợp đồng bảo hiểm, cấp đơn và giấy chứng nhận bảo hiểm.
– Cán bộ phân tích, đánh giá rủi ro: Tiến hành thu thập thông tin, nghiên cứu các khai báo của khách hàng rồi đưa ra quyết định cấp đơn hay không cấp đơn bảo hiểm, xác định mức phí bảo hiểm mà khách hàng phải nộp.
– Cán bộ giám định, bồi thường thiệt hại: Kịp thời có mặt khi khách hàng gặp sự cố không may để giúp đỡ nạn nhân và tiến hành các công việc xác minh, đánh giá mức độ thiệt hại. Sau đó, họ sẽ quyết định và chi trả tiền đền bù cho người bị nạn để khôi phục lại sức sản xuất và cuộc sống bình thường.
– Cán bộ quản lý danh mục đầu tư: Thực hiện chức năng hoạt động đầu tư tài chính để thu lợi nhuận cho công ty bảo hiểm. Họ phân tích các lĩnh vực đầu tư, các kênh đầu tư rồi quyết định bỏ vốn đầu tư vào các lĩnh vực như chứng khoán, bất động sản, cho vay v.v…
– Cán bộ tái bảo hiểm: Là những người thực hiện công việc chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm mà công ty của mình đã ký kết với khách hàng cho công ty bảo hiểm khác hoặc nhà tái bảo hiểm do những hợp đồng này quá lớn so với năng lực của công ty. Ngược lại, họ cũng tiếp nhận các dịch vụ do các công ty bảo hiểm khác chuyển đến.
– Cán bộ quản lý nhà nước về bảo hiểm: Đảm bảo cho các hoạt động giao dịch về bảo hiểm, các công ty bảo hiểm tuân thủ đúng pháp luật, nhằm bảo vệ quyền lợi cho khách hàng bảo hiểm và sự ổn định của thị trường. Những chuyên gia này là việc trong các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực bảo hiểm.
– Chuyên gia môi giới bảo hiểm (broker): Đại diện cho khách hàng bảo hiểm để đàm phán hợp đồng với công ty bảo hiểm. Nếu hợp đồng được ký kết, họ sẽ được hưởng hoa hồng do công ty bảo hiểm trả. Nhìn chung, người làm môi giới bảo hiểm phải có tố chất đặc biệt về khả năng thuyết phục.
– Tư vấn bảo hiểm: Đại diện cho công ty bảo hiểm, gặp gỡ và tư vấn cho khách hàng hoạch định kế hoạch tài chính cá nhân cũng như tham gia mua bảo hiểm của công ty mà họ làm đại diện. Khi hợp đồng bảo hiểm được ký kết, người tư vấn sẽ được nhận thù lao từ công ty bảo hiểm.
– Cán bộ phát triển sản phẩm bảo hiểm: Nghiên cứu nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng bảo hiểm để thiết kế các sản phẩm bảo hiểm mới thay thế hoặc hoàn thiện các sản phẩm hiện có để đáp ứng các nhu cầu mới hoặc thay đổi của khách hàng.
– Cán bộ quản trị rủi ro và bảo hiểm của các tập đoàn kinh tế: Làm việc tại khu vực quản trị kinh doanh của các doanh nghiệp lớn như ngân hàng, nhà máy công nghiệp, tập đoàn kinh tế, tổng công ty… Họ thường xuyên phải nghiên cứu thực tế toàn bộ hoạt động của đơn vị để xác định các dạng rủi ro và mức độ ảnh hưởng của chúng đối với doanh nghiệp.
Phẩm chất và kỹ năng cần thiết:
– Có khả năng suy luận, tư duy logic.
– Năng lực giao tiếp tốt.
– Giỏi các môn học tự nhiên.
– Năng lực về ngoại ngữ.
– Đức tính kiên trì và ý chí làm giàu.
– yêu thích sự phiêu lưu một chút.
Một số địa chỉ đào tạo:
Bạn có thể học ngành bảo hiểm tại các khoa Tài chính – Ngân hàng hay Bảo hiểm của các trường đại học, cao đẳng trong cả nước. Trong đó phải kể đến: Học viện tài chính, Trường ĐH Kinh tế quốc dân, Trường ĐH Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, Trường ĐH Ngoại thương…