You are currently viewing (Theo Vinare) Châu Á: Các thị trường mới nổi trong khu vực thúc đẩy tăng trưởng của ngành bảo hiểm toàn cầu trong giai đoạn 2020-2021

(Theo Vinare) Châu Á: Các thị trường mới nổi trong khu vực thúc đẩy tăng trưởng của ngành bảo hiểm toàn cầu trong giai đoạn 2020-2021

Theo báo cáo Sigma mới nhất của Học viện nghiên cứu thuộc Tập đoàn tái bảo hiểm Thụy Sĩ (SRI) được ấn hành ngày 13/11/2019 cho biết, khu vực châu Á mới nổi sẽ thúc đẩy tăng trưởng của ngành bảo hiểm toàn cầu đạt khoảng 3% theo giá trị thực trong mỗi năm từ năm 2020 đến 2021, không thay đổi so với dự đoán cho 2 năm vào cùng thời điểm này trong năm 2018.
Trong báo cáo này, với nhan đề “Khả năng phục hồi bền vững trong bối cảnh tăng trưởng chậm lại: triển vọng kinh tế và bảo hiểm toàn cầu năm 2020/21”, SRI cho rằng khả năng sinh lợi được tính bằng cách lấy lợi nhuận chia cho vốn chủ sở hữu đã tăng lên trong cả thị trường bảo hiểm phi nhân thọ và thị trường bảo hiểm nhân thọ một phần là nhờ vào lãi thực hiện của hoạt động đầu tư. Tuy nhiên, với mức lãi suất thấp tiếp tục được duy trì, những cải thiện về khả năng sinh lợi của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ sẽ phụ thuộc vào hiệu quả hoạt động kinh doanh nghiệp vụ, trong đó những cải thiện về việc định phí bảo hiểm đang được sử dụng để bù đắp cho yêu cầu bồi thường gia tăng, chủ yếu trong lĩnh vực bảo hiểm trách nhiệm ở Mỹ. Các công ty bảo hiểm nhân thọ nên tiếp tục điều chỉnh lại hoạt động đầu tư của mình và phân bổ vốn cho các loại sản phẩm hấp dẫn.

Bảo hiểm phi nhân thọ
Doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ toàn cầu sẽ tăng khoảng 3% trên cơ sở điều chỉnh lạm phát vào năm 2019 nên SRI dự báo trong 2 năm tới, tốc độ tăng trưởng ở mức tương tự khoảng 3%.
Trong môi trường kinh tế tăng trưởng chậm lại, tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ ở các thị trường tiên tiến sẽ thấp hơn một chút vào năm 2020 và 2021 so với mức ước tính 2% trong năm 2019. Mức phí bảo hiểm tăng trong lĩnh vực bảo hiểm thương mại năm nay đã hỗ trợ tốc độ tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm ở Bắc Mỹ và Châu Á Thái Bình Dương nói riêng. Khu vực EMEA tiên tiến (châu Âu, Trung Đông, châu Phi) có tốc độ tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm thấp hơn một chút, đạt khoảng 1%.
Trong hai năm tới, SRI dự kiến sẽ có một sự cải thiện nhẹ trong khu vực EMEA tiên tiến, trong khi đó mức tăng trưởng ở châu Á-Thái Bình Dương sẽ giảm nhẹ, do sự suy thoái kinh tế của Úc.
Các thị trường mới nổi đang và sẽ vẫn là động lực tăng trưởng của ngành bảo hiểm toàn cầu. SRI dự báo mức tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ hàng năm của thị trường mới nổi sẽ đạt gần 7% trong năm 2020 và 2021, tăng so với mức ước tính 5,8% trong năm nay. Một lần nữa, khu vực châu Á mới nổi sẽ vượt trội hơn cả. Thị trường bảo hiểm phi nhân thọ ở Trung Quốc và Ấn Độ đã đặc biệt phát triển mạnh với doanh thu phí bảo hiểm lần lượt tăng 9% và 11% trong năm nay. Bảo hiểm nông nghiệp vốn là động lực tăng trưởng chính ở cả 2 nước này. Bảo hiểm xe cơ giới cũng thúc đẩy tốc độ tăng trưởng ở Ấn Độ, nhưng lại là phân khúc thị trường có tốc độ tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc do mức tiêu thụ xe ô tô giảm sút hơn và mức độ cạnh tranh khốc liệt sau khi tự do hóa thị trường.
Trong hai năm tới, SRI dự kiến các thị trường mới nổi bên ngoài châu Á sẽ giành lại lực kéo. Với sự phục hồi kinh tế, động lực của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ ở Châu Phi đang được cải thiện và dự kiến tốc độ tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm ở Châu Mỹ Latinh và Đông Âu sẽ tăng lên so với xu hướng thấp hiện nay trong dài hạn.
Bảo hiểm nhân thọ
Các công ty bảo hiểm nhân thọ nên tiếp tục điều chỉnh lại hoạt động đầu tư của mình và phân bổ vốn cho các loại sản phẩm hấp dẫn.
Dựa trên dữ liệu không trọn năm, SRI ước tính doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ toàn cầu sẽ tăng khoảng 2% theo giá trị thực trong năm 2019, thấp hơn một chút so với mức trung bình hàng năm trong 5 năm qua. Doanh thu phí bảo hiểm thực tế ở các thị trường tiên tiến sẽ tăng chậm lại (+ 0,5%), trong khi đó doanh thu phí bảo hiểm ở thị trường mới nổi sẽ lại tăng mạnh (đạt khoảng 9%) sau khi có sự tăng trưởng đặc biệt yếu trong năm 2018 do quy định chặt chẽ hơn về quản lý tài sản ở Trung Quốc. Theo quan điểm của SRI, doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ toàn cầu sẽ tăng khoảng 3% mỗi năm trong giai đoạn 2020/21, chủ yếu là nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ liên tục ở thị trường mới nổi (+ 9%) và tình hình được cải thiện đôi chút ở các thị trường tiên tiến (+ 1,5%).
Cũng theo SRI, dự báo mức tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm trung bình hàng năm ở thị trường mới nổi đạt khoảng 9% trong giai đoạn 2020/21 (11% ở Trung Quốc và 6% ở các thị trường khác).
Châu Á sẽ vẫn là động lực tăng trưởng chính trong hai năm tới, giữ vị trí đứng đầu là Trung Quốc, ở đây SRI chứng kiến mức tăng 9% trong thị trường bảo hiểm phi nhân thọ (dựa vào sự tăng trưởng mạnh mẽ của các nghiệp vụ bảo hiểm cá nhân, không kể bảo hiểm xe cơ giới) và 11% về doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ trong năm 2020.
Swiss Re dự báo Trung Quốc sẽ chiếm 60% trong tổng doanh thu phí bảo hiểm tăng thêm ở châu Á trong vòng 10 năm tới. Các nghiệp vụ bảo hiểm cá nhân, bảo hiểm y tế và chăm sóc sức khỏe, không kể bảo hiểm xe cơ giới dự báo có mức tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm hàng năm là 14%. Sự tăng trưởng theo cấp số nhân của bảo hiểm y tế tư nhân ở thị trường tầm trung tại Trung Quốc với doanh thu phí bảo hiểm tăng 1.500% trong hai năm qua cho thấy quy mô tiềm tàng và là mô hình cho việc xây dựng khả năng phục hồi ở các thị trường mới nổi khác.
Suy thoái kinh tế
Trước nguy cơ suy thoái có thể xảy ra, SRI đánh giá các công ty bảo hiểm sẽ bị ảnh hưởng như thế nào. Do suy thoái kinh tế, nhu cầu bảo hiểm thường giảm. Khi suy thoái kinh tế kết hợp với xung đột thương mại, bảo hiểm tín dụng thương mại và bảo hiểm hàng hải có xu hướng bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Khả năng sinh lợi của ngành bảo hiểm cũng sẽ bị ảnh hưởng do suy thoái kinh tế, dẫn đến làm đường cong sinh lợi đi xuống, một kịch bản hợp lý về mức sinh lợi trong thị trường xuống thấp hiện tại.
Có thể bù đắp phần nào điều này bằng hiệu ứng cắt giảm lạm phát trong lĩnh vực bồi thường. Một số nghiệp vụ bảo hiểm nhất định như bảo hiểm trách nhiệm có xu hướng được hưởng lợi từ việc giảm bớt mức độ nghiêm trọng của bồi thường thông qua các yếu tố kinh tế (ví dụ: lạm phát tiền lương và chi phí y tế). Mặt khác, lạm phát xã hội (ảnh hưởng của những thay đổi trong chế độ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng để giải quyết các yêu cầu bồi thường về bảo hiểm trách nhiệm) đang gây áp lực lên chi phí bồi thường, đáng chú ý nhất là bảo hiểm trách nhiệm ở Mỹ.
                                                                             TUẤN MINH 
                                                     (Theo báo cáo Sigma của SRI)

Để lại một bình luận


The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.