Việc tắc nghẽn kênh đào Suez và sự gián đoạn vận chuyển đường biển toàn cầu kéo theo có thể gây ra sự kiện tổn thất lớn cho ngành tái bảo hiểm, Công ty xếp hạng tín nhiệm Fitch cho biết.
Sự kiện này sẽ làm giảm lợi nhuận của các công ty tái bảo hiểm toàn cầu nhưng không ảnh hưởng nghiêm trọng đến chỉ số sức mạnh tài chính của họ, mặc dù phí tái bảo hiểm hàng hải sẽ tăng hơn nữa do hậu quả của việc tàu công-tên-nơ Ever Given mắc cạn tại kênh đào Suez.
Ngày 29/3, các quan chức của kênh đào cho biết tàu Ever Given, vốn bị mắc kẹt trong kênh đào này từ ngày 23/3, đã được giải phóng một phần và họ hy vọng giao thông dọc theo kênh đào Suez có thể được khôi phục trở lại trong vòng vài giờ.
Tổn thất cuối cùng sẽ phụ thuộc vào việc công ty cứu hộ phải mất bao lâu để giải phóng hoàn toàn tàu công-tên-nơ này và thời gian khôi phục lại lưu lượng giao thông tàu thuyền bình thường, nhưng Fitch ước tính tổn thất có thể dễ dàng lên tới hàng trăm triệu Euro.
Các vụ tai nạn liên quan đến tàu công-tên-nơ lớn có thể dẫn đến các khiếu nại đòi bồi thường tài sản lên đến hơn 1 tỷ USD, nhưng các vụ tai nạn này chủ yếu liên quan đến việc cứu hộ. Vì tàu Ever Given vẫn có thể di chuyển sau khi được giải phóng nên các khiếu nại liên quan đến bảo hiểm thân tàu và hàng hóa, bao gồm cả việc cứu hộ (sẽ do công ty bảo hiểm thân tàu của chủ tàu chịu), sẽ ở mức thấp hơn đáng kể so với con số nói trên.
Tuy nhiên, có thể hội bảo trợ và bồi thường của chủ tàu cũng sẽ phải đối mặt với các khiếu nại đòi bồi thường của các chủ hàng trên tàu Ever Given và của các tàu khác bị chặn lại ở kênh đào Suez vì những tổn thất liên quan đến hàng hóa dễ hư hỏng và gián đoạn chuỗi cung ứng.
Ngoài ra, họ có thể phải đối mặt với khiếu nại đòi bồi thường của chính Cơ quan quản lý kênh đào Suez vì thiệt hại doanh thu. Theo báo chí đưa tin, hơn 300 tàu bị mắc kẹt ở hai đầu kênh đào này. Ô nhiễm môi trường do rò rỉ dầu hay các sản phẩm dầu vào kênh đào dường như đã tránh được.
Có lẽ phần lớn trong số những tổn thất đó sẽ được một nhóm các công ty tái bảo hiểm toàn cầu thu xếp tái bảo hiểm. Xét riêng biệt, sự kiện tổn thất lớn này sẽ không ảnh hưởng đến chỉ số sức mạnh tài chính của họ. Tuy nhiên, nó sẽ tạo thêm sức ép lên lợi nhuận trong quý I/2021 của các công ty tái bảo hiểm toàn cầu – lợi nhuận vốn đã bị ảnh hưởng bởi các sự kiện thảm họa như bão mùa đông ở Mỹ và lũ lụt ở Úc, cũng như tổn thất bổ sung liên quan đến đại dịch vi rút corona.
Năm ngoái, các công ty tái bảo hiểm toàn cầu đã báo cáo lợi nhuận sụt giảm nghiêm trọng do các khoản bồi thường đã trả và các khoản dự phòng bồi thường liên quan đến đại dịch vi rút corona. Tuy nhiên, hiệu quả kinh doanh đã được cải thiện do phí tái bảo hiểm tăng đáng kể trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ và tái bảo hiểm, đồng thời tình trạng vốn của họ vẫn rất mạnh vào cuối năm 2020. Chuỗi các sự kiện thảm họa trong năm 2021 sẽ gây thêm căng thẳng cho thị trường bảo hiểm và tái bảo hiểm thương mại, thậm chí đẩy phí bảo hiểm cao hơn trong một thị trường vốn đã khó khăn.
Do đó, sự tắc nghẽn kênh đào Suez không làm thay đổi quan điểm của Fitch cho rằng việc loại trừ bệnh truyền nhiễm trong các hợp đồng tái bảo hiểm cố định đã được tái tục và thị trường khó khăn sẽ mang lại kết quả tốt hơn trong năm 2021./.