“Việc tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm có thể lợi dụng quy định dự thảo luật để đối phó, khi rủi ro xảy ra”.
Tại Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIV (chiều ngày 20/2), khi trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định lưu ý việc tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm có thể lợi dụng quy định dự thảo luật để đối phó, khi rủi ro xảy ra sẽ không bảo đảm an toàn tài chính cho cả tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ và khách hàng của họ.
Ủy ban Pháp luật nhất trí với đề nghị của Chính phủ về áp dụng hình thức “một luật sửa nhiều luật” để sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ; đồng thời tán thành việc trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án luật tại một kỳ họp (kỳ họp thứ 7) theo trình tự, thủ tục rút gọn như đề nghị của Chính phủ.
Về việc mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp và xác định đây là trách nhiệm trong quá trình hoạt động của chủ thể này.
Báo cáo thẩm tra cho rằng, mục đích của quy định này theo tờ trình của Chính phủ là để yêu cầu chủ thể kinh doanh phải có biện pháp bảo đảm về tài chính trong quá trình hoạt động, từ đó góp phần bảo đảm tính an toàn của thị trường kinh doanh bảo hiểm.
“Tuy nhiên, nếu dự thảo luật chỉ yêu cầu mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp mà không quy định rõ cơ chế thực hiện bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp thì sẽ không bảo đảm ý nghĩa thực tiễn của yêu cầu về bảo đảm tài chính của chủ thể kinh doanh.
Tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm có thể lợi dụng quy định này chỉ mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp với mức bảo hiểm rất thấp để đối phó, khi rủi ro xảy ra sẽ không bảo đảm an toàn tài chính cho cả tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ và khách hàng của họ”, ông Nguyễn Khắc Định lưu ý.
Bên cạnh đọ, nhiều ý kiến cho rằng, Luật Kinh doanh bảo hiểm cần được sửa đổi, bổ sung nhằm tạo động lực mở rộng hơn nữa thị trường bảo hiểm; đồng thời, tăng độ bao phủ của bảo hiểm và tăng tính an toàn, bền vững trong sự phát triển của thị trường.
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả nhưng Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 ra đời khi thị trường bảo hiểm còn non trẻ, quy mô thị trường còn nhỏ, các sản phẩm, kênh phân phối chưa đa dạng, bảo hiểm vẫn còn là lĩnh vực mới với đa số người dân Việt Nam.
Trên thực tế, sau gần 20 năm phát triển, thị trường bảo hiểm đã thay đổi khá nhiều. Một số quy định tại Luật đã có độ trễ so với sự phát triển của thực tiễn. Mặt khác, các văn bản quy phạm pháp luật như Bộ Luật dân sự, Luật Doanh nghiệp, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Thanh tra… trong thời gian qua đã được sửa đổi, bổ sung.
Do vậy, một số quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm không còn thống nhất, đồng bộ với quy định mới được sửa đổi, bổ sung liên quan tại các văn bản pháp luật nêu trên.
Dự thảo sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm được trình Quốc hội lần này đề xuất một số giải pháp về chính sách nhằm thúc đẩy thị trường bảo hiểm; yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm phải có đầy đủ vốn dựa trên tiêu chí so sánh tỷ lệ giữa vốn hiện có so với yêu cầu về vốn tối thiểu phải có tương ứng với tổng thể rủi ro của doanh nghiệp bảo hiểm. Điều này nhằm đáp ứng cam kết với khách hàng, đảm bảo an toàn tài chính.
Dự thảo sửa đổi Luật cũng yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm tính toán mức vốn tối thiểu tương ứng với các rủi ro của doanh nghiệp bảo hiểm và giao Chính phủ quy định chi tiết. Bởi, việc xác định vốn tối thiểu tương ứng với mỗi loại rủi ro thường được thực hiện bằng công thức chung là số tiền chịu rủi ro nhân hệ số rủi ro. Hoặc, tính toán giá trị tài sản, trách nhiệm bảo hiểm theo cơ sở do cơ quan quản lý quy định để làm căn cứ so sánh với vốn sẵn có.
Ngoài ra, dự thảo sửa đổi Luật cũng quy định về tổ chức bộ máy phù hợp với thực tế, bổ sung và nâng cao quy định về quản trị điều hành và quản trị rủi ro của doanh nghiệp bảo hiểm, phù hợp với thực tế và thông lệ quốc tế; hoàn thiện quy định về hợp đồng bảo hiểm đảm bảo thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật và phù hợp với sự phát triển của thực tiễn.
Dự thảo Luật cũng quy định chuẩn hóa phát triển sản phẩm và kênh phân phối (đại lý bảo hiểm, môi giới bảo hiểm, kênh phân phối mới) phù hợp với thực tiễn của thị trường và thông lệ quốc tế. Ngoài ra, sửa đổi, bổ sung quy định về dịch vụ phụ trợ bảo hiểm để tạo khuôn khổ pháp lý, thúc đẩy ổn định các hoạt động kinh tế – xã hội, thị trường bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, hỗ trợ doanh nghiệp bảo hiểm nâng cao hiệu quả hoạt động, bảo vệ bên tham gia bảo hiểm và tạo công ăn việc làm.
Luật Kinh doanh bảo hiểm được thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa X ngày 9/12/2000 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/4/2001 đã tạo cơ sở pháp lý thuận lợi để thị trường bảo hiểm ngày càng phát triển, thể hiện rõ vai trò vị trí trong nền kinh tế – xã hội.