Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm thuộc Bộ Tài chính dự báo các chỉ tiêu quan trọng trên thị trường bảo hiểm sẽ duy trì mức tăng trưởng hai chữ số trong năm 2022, dù dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp và quá trình phục hồi của nền kinh tế đối mặt với nhiều thách thức.
Về thị trường, cơ quan này dự báo tổng tài sản thị trường bảo hiểm năm 2022 đạt 808.908 tỉ đồng, tăng 13,93% so với năm 2021. Đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 677.036 tỉ đồng, tăng 17,32% so với năm 2021. Tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm ước đạt 533.758 tỉ đồng, tăng 17,15% so với năm 2021.
Về doanh nghiệp, tổng nguồn vốn chủ sở hữu các doanh nghiệp bảo hiểm năm 2022 ước đạt 165.069 tỉ đồng, tăng 8,25% so với năm 2021. Tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 253.730 tỉ đồng, tăng 18,04% so với năm 2021. Còn chi trả quyền lợi bảo hiểm trong năm ước đạt 58.291 tỉ đồng, tăng 17,61% so với cùng kỳ năm 2020.
Tổng số phí bảo hiểm thu xếp qua môi giới bảo hiểm ước đạt 14.513 tyỉ đồng, tăng 14,15% so với năm 2021. Doanh thu hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp môi giới bảo hiểm năm 2022 ước đạt 1.107 tỉ đồng, tăng 11,8%.
Tương tự, Trung tâm phân tích của Công ty chứng khoán SSI (SSI Research) dự báo các hoạt động bán các sản phẩm bảo hiểm sẽ hồi phục tốt trong năm 2022 với kịch bản hoạt động mở cửa nền kinh tế diễn ra mạnh trong nửa cuối năm.
Ngoài ra, cơ quan này kỳ vọng giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử (E-insurance) dần được hợp pháp hoá cho các sản phẩm bảo hiểm, gồm: bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm tài sản thiệt hại, bảo hiểm hàng hóa sẽ thúc đẩy bán hàng qua kênh trực tuyến.
Bên cạnh đó, sự hợp tác giữa các công ty bảo hiểm và công ty insurtech để tăng cường đổi mới cải tiến trong việc phân tích dữ liệu lớn (Big data) cũng sẽ giúp các công ty bảo hiểm đa dạng hóa sản phẩm và kênh phân phối trong tương lai.
SSI Research dự báo doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ năm 2022 ước tăng 22-24% so với năm 2021. Doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ đạt 8-10% – thấp hơn mức tăng trưởng trước Covid-19.
Tổng doanh thu phí bảo hiểm dự báo đạt 256.000 tỉ đồng, tăng 18-20%.