You are currently viewing (Theo Phụ nữ mới) Lý do Shark Liên giải ngân nửa tỷ chỉ sau một ngày gọi vốn của Lương Xuân Trường?

(Theo Phụ nữ mới) Lý do Shark Liên giải ngân nửa tỷ chỉ sau một ngày gọi vốn của Lương Xuân Trường?

Một ngày sau khi thương vụ hợp tác với Lương Xuân Trường phát sóng, Shark Liên đã giải ngân số tiền nửa tỷ cho Trung Tâm Phục Hồi Chấn Thương Thể Thao Quốc Tế (IRC).

Dự án Trung tâm phục hồi chấn thương thể thao quốc tế IRC do Lương Xuân Trường đồng sáng lập đã nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư và cộng đồng yêu thể thao. Trong tập 6 của Shark Tank Việt Nam mùa 5, Shark Liên đã rút vé vàng trị giá 500 triệu đồng để giành quyền ưu tiên đàm phán riêng với Startup này và sau đó đã thành công chốt deal 7 tỷ cho 15% cổ phần.

Chia sẻ về lý do giải ngân thần tốc cho IRC, Shark Liên cho biết là người quan tâm đến sức khỏe và luôn luôn động viên mọi người tập luyện thể thao để giữ sức khoẻ từ khi còn trẻ. Vì thế, bà luôn cổ vũ thể thao và ủng hộ sự phát triển của thể thao Việt Nam.

“Với tôi, sức khỏe là tài sản vô giá. Đó là lý do khi tham gia Shark Tank, tôi luôn mong mỏi tìm được một startup nào đó về sức khỏe, hợp “khẩu vị đầu tư” để cùng đi đường dài. IRC xuất hiện đúng lúc. Với phần thuyết trình ấn tượng, cùng định hướng mang chuẩn mực về kiến thức và công nghệ của y học thể thao hiện đại vào thực tiễn tại Việt Nam, tôi biết chắc chắn, đây là startup mình cần tìm”, Shark Liên chia sẻ.

Ngoài định hướng tốt, hướng đi ý nghĩa, câu chuyện khởi nghiệp của hai co-founder Lương Xuân Trường và Nguyễn Việt Hùng cũng làm shark Liên ấn tượng. “Tôi đồng cảm vì chồng mình cũng từng phải điều trị chấn thương sau thời gian dài chơi thể thao; tôi đồng cảm vì tôi hiểu không có gì buồn bã hơn một người đam mê thể thao, đam mê các hoạt động thể chất nhưng không may gặp phải chấn thương ảnh hưởng cả đời…

Hiện tại phía Shark Liên đang xúc tiến hoạt động thẩm định. Thông qua dự án này, hay bên sẽ mở rộng quy mô hoạt động, nâng cao trang thiết bị cũng như đội ngũ y bác sĩ nhằm giúp các vận động viên chuyên nghiệp và phong trào có điều kiện tốt nhất để hồi phục chấn thương.

Chia sẻ về lý do thành lập IRC, Lương Xuân Trường cho biết trong suốt thời gian từ thuở còn niên thiếu đến khi trở thành một cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp, anh đã phải chứng kiến nhiều chấn thương nặng của những đồng đội, đồng nghiệp trong bóng đá hay kể cả những vận động viên của các bộ môn thể thao khác.

Anh còn nhớ cảm giác ám ảnh khi phải chứng kiến một người đồng đội chơi ăn ý nhất với mình trên sân cỏ là Nguyễn Tuấn Anh. Bạn đã phải sang Thái để phẫu thuật cho chấn thương đứt dây chằng chéo đầu gối trước của mình, sau đó đã phải sang Pháp để điều trị và tập phục hồi. Khi đó bạn ấy chỉ mới ở độ tuổi 16, 17 thôi.

Theo nam tiền vệ, có rất nhiều trường hợp những vận động viên ở các bộ môn khác đã phải tạm dừng sự nghiệp và có những người đã phải giải nghệ khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp. Và chắc chắn không có gì tồi tệ hơn việc mình có đam mê nhưng khả năng thực hiện đam mê đó lại không còn nữa.

Năm 2019, Lương Xuân Trường bị đứt dây chằng chéo trước đầu gối. Anh đã phải sang Hàn Quốc phẫu thuật, điều trị và tập phục hồi để có thể trở lại với thể thao chuyên nghiệp. Trong suốt thời gian ở Hàn Quốc, trong anh luôn đau đáu những câu hỏi “Tại sao lại không phải là Việt Nam?”, “Tại sao mình phải đến đất nước xa xôi đến thế để điều trị phục hồi chấn thương?”.

Quay trở về Việt Nam, có cơ hội gặp gỡ những phẫu thuật viên, bác sĩ, nam tiền vệ được biết ở Hà Nội và TP. HCM, mỗi nơi có khoảng 500 – 1.000 ca phẫu thuật chỉ riêng cho dây chằng, chưa kể đến những bệnh lý khác về cơ, xương, khớp. Sau khi phẫu thuật, thường các bệnh nhân sẽ được đưa cho giáo án để tự luyện tập và có lịch hẹn tái khám sau khoảng 3-6 tháng.

Rủi ro ở đây là trong thời gian tự phục hồi tại nhà, có thể có thời điểm bệnh nhân luyện tập không đúng cách vì không có ai kiểm chứng. Nếu họ gặp phải vấn đề gì đó trong tập luyện mà lại ở xa thì rất khó để các bác sĩ trực tiếp xử lý.

Những điều đó đã thôi thúc nam tiền vệ quyết tâm phải có một trung tâm phục hồi chấn thương thể thao cho người Việt và IRC đã ra đời.

IRC hướng tới phục hồi chức năng chấn thương thể thao một cách toàn diện với 4 sản phẩm chính, bao gồm: phục hồi chấn thương và các bệnh lý liên quan đến cơ, xương, khớp; phòng tránh chấn thương; dinh dưỡng; giải quyết vấn đề liên quan đến tâm lý. Hiện nay, trung tâm này đã vận hành 2 sản phẩm là phục hồi chấn thương và phòng tránh chấn thương.

Việt Hùng và Lương Xuân Trường đã bắt đầu khởi động dự án của mình vào tháng 5/2020. Sau quá trình đào tạo, đến tháng 3/2021, IRC chính thức khai trương. Tính đến hết tháng 4/2022, IRC đã phục vụ 341 lượt khách, doanh thu đạt khoảng 3,5 tỷ đồng.

Nhà điều hành IRC thẳng thắn chia sẻ, chất lượng chuyên môn dịch vụ, IRC hiện đang thuê chuyên gia y học thể thao nước ngoài để đào tạo đội ngũ đường dài, sẵn sàng cho việc mở rộng sau này.

Trước mắt IRC ưu tiên có chuyên gia người nước ngoài để vừa làm việc vừa đào tạo. Ước mơ sau này là trung tâm sẽ chỉ vận hành bằng người Việt, có thể phục vụ cho người Việt.

Hiện IRC đang thuê văn phòng ở Hà Nội với 2 mặt sàn, diện tích mỗi mặt sàn khoảng 125m2. IRC đang có 6 nhân viên làm chuyên môn, có thể phục vụ tối đa 30 lượt khách trong 1 ngày. IRC hiện có 3 cổ đông và đã góp vốn 6,64 tỷ đồng.

Shark Liên cho biết có thể giúp startup kết nối với các chuyên gia đầu ngành ở Mỹ và Đức để đưa bác sĩ của trung tâm ra nước ngoài đào tạo hoặc đưa chuyên gia quốc tế về huấn luyện cho các bác sĩ Việt Nam. Ngoài ra, Shark Liên sẽ giúp IRC về mặt bằng ở TP.HCM, Hà Nội hoặc các tỉnh, thành phố khác.

HÀ MY

Để lại một bình luận


The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.