Nửa đầu năm 2020, đà tăng trưởng của thị trường bảo hiểm giảm sút so với cùng kỳ năm trước. Tính đến hết tháng 5/2020, doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 22.027 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 8% so với cùng kỳ 2019. Nghiệp vụ bảo hiểm con người vẫn duy trì tỷ trọng cao nhất (xấp xỉ 31%), tiếp theo là bảo hiểm xe cơ giới (30%), bảo hiểm tài sản thiệt hại (14%), bảo hiểm cháy nổ (12%), bảo hiểm thân tàu và trách nhiệm dân sự (TNDS) của chủ tàu (4%), bảo hiểm hàng hóa (4%), bảo hiểm trách nhiệm và các nghiệp vụ khác (5%).
Đa số các nghiệp vụ vẫn có sự tăng trưởng, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng giảm sút so với cùng kỳ 2019. Riêng bảo hiểm hàng hóa sụt giảm doanh thu 16%, bảo hiểm bảo lãnh giảm doạnh thu 7% so với cùng kỳ, do 2 nghiệp vụ này chịu sự ảnh hưởng rõ rệt nhất của đại dịch COVID19 khi hoạt động xuất nhập khẩu bị sụt giảm đáng kể do các lệnh cách ly ngăn ngừa lây lan dịch bệnh và sự đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đối với lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, 5 tháng đầu năm 2019 tổng số lượng hợp đồng bảo hiểm khai thác mới đạt 1.067.081 hợp đồng, tăng 10,47% so với cùng kỳ năm 2019. Phí bảo hiểm khai thác mới đạt 12.979 tỷ đồng, tăng 7,55% so với cùng kỳ 2019. Đà tăng trưởng giảm sút đáng kể, ngoài nguyên nhân do ảnh hưởng của đợt giãn cách xã hội phòng lây lan đại dịch COVID 19 khiến giảm cơ hội đại lý tiếp cận tư vấn bán bảo hiểm cho khách hàng tiềm năng, cũng phản ánh đà tăng của bảo hiểm nhân thọ có dấu hiệu bắt đầu sụt giảm từ năm 2019, sau nhiều năm tăng trưởng ấn tượng (khoảng 30%/năm).
Sáu tháng đầu năm 2020, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đã triển khai các hoạt động theo kế hoạch cũng như tích cực phối hợp với các hội viên trong các hoạt động phát sinh. Trong mảng bảo hiểm phi nhân thọ, Hiệp hội phối hợp cùng các Doanh nghiệp Bảo hiểm (DNBH) phi nhân thọ hội viên đóng góp ý kiến cho: Phụ lục 2 về danh mục cơ sở có nguy hiểm về cháy nổ; Lấy ý kiến đóng góp của hội viên về bản dịch bộ điều khoản mở rộng kèm theo đơn bảo hiểm gián đoạn kinh doanh; Tiếp tục hoàn thiện các câu hỏi và trả lời liên quan đến các vướng mắc trong việc thực hiện Thông tư 329/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định 119/2015/NĐ-CP của Chính phủ về bảo hiểm bắt buộc trong đầu tư xây dựng; Nghiên cứu xây dựng phương án chuyển đổi hình thức giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới truyền thống sang hình thức giấy chứng nhận điện tử: phối hợp cùng các DNBH PNT hội viên xem xét phương án sử dụng phần mềm quản lý khách hàng tập trung CIC.
Trong bảo hiểm nhân thọ, Hiệp hội thực hiện giám sát hoạt động cập nhật thông tin đại lý bảo hiểm của các DNBH nhân thọ; Trực tiếp sửa đổi các thông tin đại lý trên hệ thống đảm bảo tính nhất quán chính xác và kịp thời của thông tin (6 tháng năm 2019, đã thực hiện điều chỉnh dữ liệu 1.284 trường hợp); Chấp thuận gỡ khỏi danh sách đai lý vi phạm cho 139 đại lý theo đề nghị của DNBH; Tiếp nhận và đối chiếu hồ sơ 16 trường hợp cố tình thay đổi chứng minh nhân dân để được chấp nhận làm đại lý bảo hiểm tại doanh nghiệp (kết quả đưa vào Danh sách đại lý vi phạm (Blacklist) 10 trường hợp); Cập nhật đại lý vào danh sách đại lý vi phạm (589 trường hợp); Giải quyết khiếu nại của đại lý gửi tới Hiệp hội (76 trường hợp); Tiếp nhận hồ sơ đề nghị xử lý kỷ luật đại lý (đã nghỉ việc tại DNBH) 21 trường hợp, trong đó chấp thuận và cập nhật đại lý vào danh sách đại lý vi phạm 20 trường hợp và từ chối 1 trường hợp. Hiệp hội phối hợp cùng các DNBH nhân thọ thực hiện công tác tuyên truyền bảo hiểm nhân thọ trong chương trình “An vui mỗi ngày” trên kênh VOV sức khỏe Đài tiếng nói Việt Nam (phát vào khung giờ vàng 17h50 – 18h chiều Thứ Ba và thứ Bảy hàng tuần).
Trong công tác đóng góp ý kiến văn bản pháp quy, tư vấn, phản biện chính sách, Hiệp hội tổng hợp ý kiến báo cáo Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện các hiệp ước thương mại tự do (FTA) liên quan đến bảo hiểm; Đóng góp về dự thảo Nghị định liên quan đến bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới; Tổng hợp phản ánh ý kiến sửa đổi Luật kinh doanh bảo hiểm…
Trong công tác tuyên truyền, ngoài việc định kỳ xuất bản Bản tin Bảo hiểm và Đời sống hàng tháng, đưa thông tin tuyên truyền về hoạt động của Hiệp hội và hội viên lên website và các Fanpage của Hiệp hội, đại diện Hiệp hội cũng tích cực viết bài, trả lời phỏng vấn, đặc biệt liên quan đến những chủ đề cộng đồng quan tâm nhiều trong 6 tháng đầu năm như đại dịch COVID 19 và bảo hiểm, bảo hiểm TNDS chủ xe gắn máy…
Đối với hoạt động quỹ bảo hiểm xe cơ giới, Hiệp hội thực hiện khảo sát các công trình đề phòng hạn chế tổn thất trong kế hoạch tài trợ năm 2020 (11 công trình tại 11 tỉnh thành), thực hiện hỗ trợ nhân đạo nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông 5 trường hợp.
6 tháng đầu năm 2020, vấn đề trục lợi bảo hiểm tiếp tục là vấn đề nội cộm của thị trường, với vụ việc nổi bật nhất là vụ việc người tham gia bảo hiểm giết người mượn xác với ý đồ trục lợi bảo hiểm tại Đăk Nông đầu tháng 5/2020. Ngoài ra, có một số vụ việc có nhiều dấu hiệu nghi ngờ trục lợi bảo hiểm trong bảo hiểm sức khỏe ở cả khối bảo hiểm phi nhân thọ và nhân thọ. Hiệp hội và các DNBH hội viên đã và đang tích cực hợp tác trong vấn đề phòng chống trục lợi bảo hiểm và coi đây là một trong các hoạt động trọng tâm trong năm 2020. Những vụ việc có bằng chứng rõ ràng khách hàng trục lợi bảo hiểm sẽ gửi hồ sơ đến cơ quan pháp luật xử lý. Việc làm này rất cần thiết, nhằm gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh những khách hàng đang có ý đồ trục lợi bảo hiểm, làm lành mạnh hóa thị trường bảo hiểm, bảo vệ quyền lợi cho những khách hàng bảo hiểm chân chính và các DNBH./.