(TBTCVN) – Theo số liệu mới nhất từ Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (QLBH) – Bộ Tài chính, thị trường bảo hiểm (BH) phi nhân thọ năm 2017 tiếp tục tăng trưởng bền vững. Tổng doanh thu ước đạt gần 40.561 tỷ đồng.
Bên cạnh đó công tác chi trả bồi thường cũng được doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) thực hiện nhanh chóng, chính xác. Năm 2018, thị trường BH phi nhân thọ đặt mục tiêu doanh thu gần 44.700 tỷ đồng.
* Doanh thu ước đạt 40.561 tỷ đồng
Báo cáo số liệu từ các DNBH cũng cho thấy kết quả kinh doanh khả quan. Theo Cục QLBH, năm 2017, thị trường BH phi nhân thọ tiếp tục tăng trưởng bền vững, với tổng doanh thu phí BH ước đạt 40.561 tỷ đồng, tăng 10,61% (so với năm 2016). Tổng tài sản của các DNBH phi nhân thọ ước đạt 73.585 tỷ đồng; đầu tư trở lại nền kinh tế của các DNBH ước đạt 38.841 tỷ đồng; chi trả quyền lợi BH ước đạt 14.951 tỷ đồng…
* Nỗ lực rút ngắn thời gian chi trả bồi thường
Trong năm 2017 bên cạnh việc nâng cao chất lượng quản trị rủi ro, phát triển sản phẩm mới…, nhằm tăng trưởng doanh thu mạnh mẽ, các DNBH cũng rất chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ, chi trả bồi thường BH nhanh chóng, chính xác, nhằm kịp thời hỗ trợ tài chính cho khách hàng khi xảy ra rủi ro.
Đại diện các DNBH cũng cho biết, chi trả bồi thường BH nhanh chóng, đơn giản, minh bạch là điều khách hàng luôn đặc biệt quan tâm và DNBH cam kết trở thành người đồng hành luôn hỗ trợ tài chính kịp thời cho gia đình, người thân khách hàng khi gặp rủi ro.
* Dự báo năm 2018
Tình hình tổn thất, bồi thường nhiều khả năng vẫn có diễn biến phức tạp, khó dự đoán. Công tác hoàn thiện và xây dựng mới các chính sách về kinh doanh bảo hiểm sẽ tiếp tục thúc đẩy thị trường phát triển.
Sự hỗ trợ của Chính phủ trong việc phát triển các dự án/sản phẩm bảo hiểm mới (nông nghiệp, kỹ thuật, tài sản công, bảo hiểm thiên tai, bảo hiểm trách nhiệm môi trường, bảo hiểm tàu cá…) sẽ là một trong những đòn bẩy chính cho sự tăng trưởng ổn định của thị trường bảo hiểm và góp phần đa dạng hóa sản phẩm cung cấp trên thị trường.
Theo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), tăng trưởng chung của toàn thị trường bảo hiểm Việt Nam giai đoạn 2011 – 2016 đạt bình quân 19%/năm, trong đó lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ tăng 26%/năm, lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tăng 12%/năm.
Mặc dù thời gian qua, các doanh nghiệp bảo hiểm tập trung nghiên cứu phát triển sản phẩm, nhưng vẫn thiếu hụt so với nhu cầu bảo hiểm. Với sự thâm nhập thị trường Việt Nam của các nhà tái bảo hiểm quốc tế trong thời gian gần đây, phát triển sản phẩm mới hứa hẹn sự bùng nổ về mặt số lượng sản phẩm cũng như doanh số phí.
Các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ tiếp tục phát triển các kênh phân phối, trong đó kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng được tăng cường. Thực tế, hầu hết các doanh nghiệp trong tổng số 29 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đều dùng ngân hàng như một kênh bán hàng chủ đạo, đặc biệt là các công ty có vốn hoặc thuộc sở hữu của ngân hàng.
Xu hướng này có thể sẽ phát triển mạnh hơn trong năm 2018, khi mà ngành ngân hàng và bảo hiểm ngày càng có sự hợp tác và quan hệ chặt chẽ, với việc nhiều ngân hàng lớn góp vốn thành lập hoặc mua lại cổ phần từ các doanh nghiệp bảo hiểm.
Mua bán, sáp nhập doanh nghiệp, hoặc tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài nhằm tăng sức mạnh tài chính, năng lực quản trị, cũng như lợi thế cạnh tranh trong cung cấp dịch vụ rất có thể sẽ là xu thế phổ biến trên thị trường.
Năm 2018, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ dự báo duy trì tốc độ tăng trưởng tốt, với tỷ lệ tăng khoảng 13%. Trong đó, các sản phẩm bảo hiểm xe cơ giới, con người, sức khỏe, sản phẩm liên kết ngân hàng – bảo hiểm, bảo hiểm trách nhiệm… dự kiến tăng trưởng 25 – 30%.
* Một số điểm cần lưu ý
Để phát triển bền vững, các doanh nghiệp bảo hiểm cần tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin, giảm cạnh tranh phi kỹ thuật, tăng cường đánh giá rủi ro trước khi cấp đơn bảo hiểm, cải thiện điều kiện, điều khoản. Đồng thời, tăng cường ý thức của người tham gia bảo hiểm, giảm thiểu rủi ro đạo đức, cải thiện chất lượng dịch vụ.
Doanh nghiệp cũng cần tăng cường hợp tác với các nhà bảo hiểm/tái bảo hiểm quốc tế để phát triển sản phẩm và kênh phân phối mới. Áp dụng công nghệ trong quá trình triển khai phát triển sản phẩm và kênh phân phối bên cạnh các kênh phân phối truyền thống.
Với các nghiệp vụ bảo hiểm có kết quả kinh doanh không tốt trong nhiều năm liền, ngoài việc tăng cường công tác quản trị, doanh nghiệp nên phối hợp với Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm để hoàn chỉnh, ban hành mới các chính sách quản lý liên quan.
Liên quan đến nghiệp vụ bảo hiểm kỹ thuật, cần cẩn trọng đánh giá rủi ro và định phí khi khai thác bảo hiểm. Bởi lẽ, xu hướng giảm giá phí và mở rộng điều kiện/điều khoản thực sự là mối quan ngại trong vài năm trở lại đây.
Đối với nghiệp vụ bảo hiểm thân tàu, cần đặc biệt quan tâm trong định phí cho các rủi ro phụ, tàu già, rủi ro do thiên tai…
Đối với nghiệp vụ bảo hiểm trách nhiệm, cần tăng cường tuyên truyền, khơi dậy nhu cầu, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chuyên trách về bảo hiểm trách nhiệm; áp dụng phổ biến các bộ điều kiện, điều khoản mà Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đã ban hành.
Bên cạnh đó, chú trọng quản trị doanh nghiệp nói chung, lĩnh vực quản trị rủi ro và các kỹ năng định phí nói riêng.
Năm 2018 các DNBH phi nhân thọ đặt mục tiêu doanh thu gần 44.700 tỷ đồng; tổng tài sản ước đạt 77.318 tỷ đồng; đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 40.097 tỷ đồng; tổng dự phòng nghiệp vụ BH ước đạt 23.412 tỷ đồng…