Số liệu ước tính của Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho thấy, 6 tháng đầu năm 2018, nghiệp vụ chiếm thị phần cao nhất trong tổng doanh thu phí bảo hiểm vẫn là bảo hiểm xe cơ giới (bao gồm cả ô tô và xe máy) với doanh thu 7.088 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ và chiếm tỷ trọng 32,5%.
Mặc dù vậy, tỷ lệ bồi thường bảo hiểm xe cơ giới cũng ở mức cao, đạt 49% (số tiền bồi thường bảo hiểm gốc của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ là 8.771 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường bảo hiểm gốc là 40%).
Theo các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, tuy đà tăng trưởng ghi nhận sự sụt giảm, nhưng nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới, trong đó có bảo hiểm xe máy, vẫn là “cứu cánh” về mặt doanh thu phí trong nửa đầu năm 2018 cũng như thời gian tới khi các nghiệp vụ bảo hiểm truyền thống chưa có dấu hiệu khởi sắc.
Theo thống kê sơ bộ, bảo hiểm xe máy tuy chỉ chiếm khoảng 10% tổng doanh thu bảo hiểm xe cơ giới và không phải DNBH nào cũng thích bán sản phẩm này vì giá trị thấp và phải có mạng lưới bán hàng đủ lớn mới có thể khai thác, nhưng đây lại là nghiệp vụ đem lại hiệu quả cao nhất trong các sản phẩm xe cơ giới, với mức bồi thường ước tính chưa đến 10%.
Để phân khúc này phát triển lành mạnh và trở lại đà tăng trưởng cao, nhiều giải pháp đã được đưa ra.
Chẳng hạn, liên quan đến bán bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe máy, theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), cần cho phép các doanh nghiệp bảo hiểm bán bảo hiểm trong thời hạn nhiều hơn, thay vì chỉ 1 năm như hiện tại, bởi chi phí phục vụ việc bán loại bảo hiểm là rất lớn, nếu chỉ bán 1 năm sẽ không hiệu quả.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm cho hay, không nên khống chế thời gian bán của một ấn chỉ bảo hiểm, bởi trên thực tế, nhu cầu mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe máy dài hạn của người dân luôn hiện hữu do họ dễ quên không tham gia bảo hiểm đúng hạn nếu không có sự nhắc nhở của bên bán bảo hiểm, trong khi bên bán cũng luôn sẵn sàng chịu trách nhiệm về thời hạn bảo hiểm.
“Mức phí của bảo hiểm trách nhiệm dân sự vốn thấp, trong khi doanh nghiệp bảo hiểm phải tốn nhiều chi phí để phục vụ hoạt động bán hàng… Do đó, để đảm bảo hiệu quả, cần nâng thời hạn bảo hiểm tối thiểu từ 1 năm và tối đa 10 năm (tương đương thời gian sử dụng hiệu quả của 1 chiếc xe máy)”, vị đại diện doanh nghiệp bảo hiểm trên đề xuất.
Theo tính toán của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, hiện mới có khoảng 35% số lượng xe máy tham gia bảo hiểm trách nhiệm dân sự xe máy – là tỷ lệ rất thấp nếu so với lượng xe máy đang lưu thông, nguyên nhân không xuất phát từ vấn đề phí cao hay thấp, mà chủ yếu do người dân chưa ý thức được tầm quan trọng của việc mua bảo hiểm, cũng như chưa nắm rõ việc hỗ trợ tài chính của các doanh nghiệp bảo hiểm trong trường hợp không may gặp rủi ro.
Bên cạnh đó, việc khống chế thời hạn bán bảo hiểm trách nhiệm dân sự xe máy chỉ trong 1 năm cũng khiến nhiều doanh nghiệp bảo hiểm chưa “mặn mà” trong tiếp cận với người dân để bán bảo hiểm.
Nếu được kéo dài thời hạn bảo hiểm, theo lãnh đạo doanh nghiệp bảo hiểm, việc tiếp cận người dân chưa mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự xe máy sẽ được cải thiện.
“Hiện tại, cả mức phí bảo hiểm cũng như mức trách nhiệm bồi thường tối đa hiện nay (100 triệu đồng) đều thấp nên chưa thực sự hấp dẫn người dân và doanh nghiệp bảo hiểm. Theo tôi, để tăng sức hút, nên tăng mức phí lên gấp đôi hoặc ít nhất là 100.000 đồng, đồng thời tăng mức trách nhiệm lên gấp 3 lần đối với mỗi hợp đồng bảo hiểm.
Với giải pháp này, một mũi tên sẽ trúng nhiều đích: Chi phí bán hàng sẽ không thay đổi nhiều so với mức hiện nay, đại lý bán hàng không bị ảnh hưởng tới quyền lợi, người dân không may gặp rủi ro sẽ được bù đắp một khoản vật chất lớn hơn, người gây tai nạn cũng không phải chi trả thêm tiền đền bù thiệt hại và cuối cùng doanh nghiệp bảo hiểm vẫn đảm bảo được hiệu quả kinh doanh”, vị lãnh đạo trên nói.
Liên quan đến hệ thống dữ liệu thị trường, IAV cho biết, tình trạng sử dụng hệ thống còn nhiều bất cập.
Theo IAV, hiện mới có 16/26 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ thực hiện cập nhật dữ liệu thường xuyên, khiến hệ thống dữ liệu chung của thị trường phi nhân thọ phản ánh chưa đầy đủ, chính xác thực tế về doanh thu và mức bồi thường nghiệp vụ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, dẫn đến hệ thống chưa phát huy hết hiệu quả, trong khi hàng năm, Quỹ vẫn phải trả hàng tỷ đồng kinh phí để duy trì hoạt động.
“Các doanh nghiệp bảo hiểm cần chủ động và thường xuyên cập nhật thông tin lên hệ thống dữ liệu chung. Khi có được nguồn dữ liệu đầy đủ, chính xác thì việc khai thác khách hàng sẽ thuận lợi và hiệu quả hơn”, đại diện IAV nói và cho biết, hiện tại, Quỹ Bảo hiểm xe cơ giới đang triển khai dự án kết nối cơ sở dữ liệu tai nạn giao thông của Cục Cảnh sát giao thông với IAV, dự kiến sẽ hoàn thành trong quý III năm nay.